MENU

[DẦU THÔ] Giá Dầu Tăng Trước Cuộc Họp Bàn Về Việc Cắt Giảm Nguồn Cung Của Tổ Chức Các Nước Xuất Khẩu Dầu Mỏ

04/10/2022 /  SFVN

Giá dầu thô tăng trong phiên hôm thứ 3 do kỳ vọng rằng OPEC + có thể đồng ý cắt giảm một lượng lớn sản lượng dầu thô khi nhóm họp vào thứ Tư tới đây nhằm bù đắp lại những lo ngại về triển vọng kinh tế toàn cầu.

Giá của cả dầu thô Brent và dầu thô WTI tính đến thời điểm hiện tại đã có mức tăng hơn 4% so với phiên ngày hôm trước. Trong đó mức tăng giá dầu thô WTI được ghi nhận là mức tăng hàng ngày lớn nhất kể từ tháng 5.

Trong phiên hôm thứ 2, giá dầu thô cũng có mức tăng do lo ngại về triển vọng nguồn cung thắt chặt, các nhà đầu tư kỳ vọng rằng Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng với các đồng minh, hay còn được biết đến là OPEC+ sẽ cắt giảm sản lượng hơn 1 triệu thùng mỗi ngày (bpd) tại cuộc họp trực tiếp đầu tiên kể từ năm 2020 vào thứ Tư.

Nguồn tin OPEC cho biết, việc cắt giảm sản lượng tự nguyện của các thành viên có thể là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến mức cắt giảm lớn nhất kể từ khi bắt đầu đại dịch.

Một nhà phân tích cao cấp của OANDA là Edward Moya nhận định rằng bất chấp những gì đang diễn ra với tâm điểm là cuộc chiến tại Ukraine thì OPEC+ chưa bao giờ cắt giảm mạnh đến mức này và họ sẽ sẵn sàng làm bất cứ điều gì để bảo đảm hỗ trợ giá thị trường.

Trong năm 2022, dù OPEC+ đã có những động thái trong việc tăng sản lượng (sau đợt cắt giảm kỷ lục vào năm 2020 do nhu cầu bị tàn phá bởi dịch Covid-19). Nhưng trong 6 tháng gầy đây, OPEC+ đã không đạt được mức tăng theo mục tiêu, hay nói cách khác là hụt 3,6 triệu thùng/ngày trong tháng 8.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích từ ING, dù cho họ có công bố mức cắt giảm lớn hơn 1 triệu thùng/ngày đi chăng nữa thì trong thực tế mức cắt giảm có thể sẽ nhỏ hơn. Vì phần lớn các thành viên OPEC+ đều đang sản xuất ở mức thấp hơn sản lượng mục tiêu của họ.

Một số nhà phân tích từ các tổ chức tài chính lớn như Goldman Sachs, CMC Markets nhận định rằng mức cắt giảm sản lượng đến từ việc giá dầu đã giảm từ mức cao so với mức đỉnh điểm trong thời gian vừa qua. Bên cạnh đó là các lo ngại về triển vọng kinh tế toàn cầu u ám có thể cản trở đà tăng của giá dầu, các nhà đầu tư cũng đã tìm cách chốt lời từ những khoản lãi đạt được trong phiên trước đó.

Mặt khác các sự kiện bất ổn trên thị trường toàn cầu như sự hỗn loạn của thị trường trái phiếu, việc bán tháo các tài sản rủi ro và đồng đô la Mỹ tăng vọt cũng tác động tiêu cực đến thị trường dầu thô.

Giá dầu thô đã sụt giảm trong 4 tháng liên tiếp khi dịch Covid-19 đã làm tê liệt nhà nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới là Trung Quốc. Đồng thời khi lãi suất tăng và đồng đô la Mỹ tăng giá cao cũng gây áp lực lên thị trường tài chính toàn cầu. Các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đã bắt tay vào một đợt tăng lãi suất mạnh mẽ nhất trong nhiều thập kỷ, làm dấy lên lo ngại về sự suy giảm kinh tế toàn cầu.

Một cuộc khảo sát sơ bộ từ Reuters cho thấy, dự trữ dầu thô của Mỹ ước tính đã tăng khoảng 2 triệu thùng trong tuần tính đến ngày 30/9.

Theo Reuters